LỚP 2 - Chính tả


Chính tả lớp 2: Nội dung các bài tập chép trong sách giáo khoa lớp 2.

Hướng dẫn: Giáo viên và phụ huynh, mỗi khi cho bé tập chép, phụ huynh hoặc giáo viên cho các em chuẩn bị giấy và bút khi bắt đầu bấm vào nút màu vàng bên dưới. Nghe từng câu mỗi câu đọc 3 lần, thời gian nghĩ giữa các câu phụ thuộc vào câu dài hay câu ngắn.

Giọng đọc chuẩn, đảm bảo công bằng cho học sinh, áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học viết chính tả, cô không phải đọc, học sinh cần phải chú ý lắng nghe. câu nào không viết được thì bỏ qua. đỡ tốn công cho giáo viên rất nhiều, không cần giám sát học sinh, mở máy đi đâu đó rồi về thâu bài.

Tuần 1: Có công mài sắt, có ngày nên kim

Chính tả(tập chép lớp 2) tuần 1 bài "Có công mài sắt, có ngày nên kim"

Mỗi ngày mài thỏi sắt nhỏ đi một tí, sẽ có ngày nó thành kim. Giống như cháu đi học, mỗi ngày cháu học một ít, sẽ có ngày cháu thành tài.

Nghe đọc từng câu, mỗi câu 3 lần và viết ra giấy.

* Bấm nút màu vàng để nghe đọc và viết lại ra vở

* Cố gắng không nhìn màn hình

* Nhớ viết đề

* Mỗi câu đọc 3 lần

* Thời gian nghỉ tùy thuộc vào số lượng chữ của mỗi câu

Tuần 2: Phần thưởng

Chính tả lớp 2, tuần thứ 2, tập chép bài

PHẦN THƯỞNG

Cuối năm học, Na được tặng một phần thưởng đặc biệt. Đây là phần thưởng cả lớp đề nghị tặng em vì em là một cô bé tốt bụng, luôn luôn giúp đỡ mọi người.

? Những chữ nào trong bài chính tả được viết hoa? Vì sao?

Từ Na: vì tên riêng

Từ Đây vì sau dấu chấm câu

Tuần 2: Làm việc thật là vui

Tập chép lớp 2, tuần 2:

Làm việc thật là vui

Như mọi vật, mọi người, bé cũng làm việc. Bé làm bài, bé đi học, bé quét nhà, nhặt rau, chơi với em đỡ mẹ. Bé luôn luôn bận rộn, mà lúc nào cũng vui.

Tuần 3: Bạn của Nai Nhỏ

Tập chép lớp 2, tuần 3:

Nai Nhỏ xin cha cho đi chơi xa cùng bạn.

Biết bạn của con khoẻ mạnh, thông minh và nhanh nhẹn, cha Nai Nhỏ vẫn lo. Khi biết bạn của con dám liều mình cứu người khác, cha Nai Nhỏ mới yên lòng cho con đi chơi với bạn.

 

Chú ý:

- Bài chính tả có mấy câu?

- Chữ đầu câu viết thế nào?

- Cuối câu có dấu gì?

 

Tuần 3: Gọi bạn

Tập chép bài thơ Gọi Bạn

...

Một năm, trời hạn hán

Suối cạn, cỏ héo khô

Lấy gì nuôi đôi bạn

Chờ mưa đến bao giờ?

 

Bê Vàng đi tìm cỏ

Lang thang quên đường về

Dê Trắng thương bạn quá

Chạy khắp nẻo tìm Bê

 

Đến bây giờ Dê Trắng

Vẫn gọi hoài: “Bê! Bê!”

 ĐỊNH HẢI

Từ khó: Sâu thẳm: rất sâu

Hạn hán: nước khôn cạn vì trời nắng kéo dài

Lang thang: đi hết chỗ này đến chỗ khác

- Tiếng gọi của Dê Trắng được ghi với những dấu câu gì?

Tuần 4: Bím tóc đuôi sam

Tuần 4 chính tả lớp 2, Tập chép bài Bím tóc đuôi sam

Thầy giáo nhìn hai bím tóc xinh xinh của Hà, vui vẻ nói:

- Đừng khóc, tóc em đẹp lắm!

Hà ngước khuôn mặt đầm đìa nước mắt lên, hỏi:

-Thật không ạ?

-Thật chứ!

Nghe nói thế Hà nín hẳn:

-Thưa thầy, em sẽ không khóc nữa.

? Bài chính tả có những dấu câu gì?

 

Tuần 4 tập chép Trên chiếc bè

      ...Tôi và Dế Trũi rủ nhau đi ngao du thiên hạ. Chúng tôi ngày đi đêm nghỉ, cùng nhau say ngắm dọc đường.

      Ngày kia, đến một bờ sông, chúng tôi ghép ba bốn lá bèo sen lại, làm một chiếc bè. Bè theo dòng nước trôi băng băng.

      Mùa thu mới chớm nhưng nước đã trong vắt, trông thấy cả hòn cuội trắng tinh nằm dưới đáy.

      ...

theo TÔ HOÀI

Các chú ý: Sau dấu chấm xuống dòng chữ đầu dòng viết thế nào?

Tuần 5: Chiếc bút mực

Tập chép lớp 2 tuần 5: Chiếc bút mực

Trong lớp, chỉ có Mai và Lan phải viết bút chì. Một hôm, cô giáo cho Lan được viết bút mực.Lan vui lắm, nhưng em bỗng oà lên khóc. Hóa ra, em quên bút ở nhà. Mai lấy bút của mình cho bạn mượn.

Chú ý: Đọc lại những câu có dấu phẩy

Tuần 5: Cái trống trường em

Chính tả lớp 2, tuần thứ 5.

Nghe viết hai khổ thơ đầu: Cái trống trường em

Cái trống trường em 

Mùa hè cũng nghỉ 

Suốt ba tháng liền 

Trống nằm ngẫm nghĩ.

 

Buồn không hả trống 

Trong những ngày hè 

Bọn mình đi vắng 

Chỉ còn tiếng ve?

...

Tuần 6: Mẩu giấy vụn

Tập chép: Mẩu giấy vụn

Bỗng một em gái đứng dậy, tiến tới chỗ mẩu giấy, nhặt lên rồi mang bỏ vào sọt rác. Xong xuôi em mới nói:

- Em có nghe thấy ạ. Mẩu giấy bảo: “Các bạn ơi! Hãy bỏ tôi vào sọt rác!”.

Chú ý: Phân biệt dấu hỏi, dấu ngã. c/t  Mẫu hay Mẩu, sọt hay sọc, rát hay rác

Tuần 6: Ngôi trường mới

Chính tả lớp 2:

Tập chép: Ngôi trường mới.

Dưới mái trường mới, sao tiếng trống rung động kéo dài! Tiếng cô giáo trang nghiêm mà ấm áp. Tiếng đọc bài của em cũng vang vang đến lạ! Em nhìn ai cũng thấy thân thương. Cả đến chiếc thước kẻ, chiếc bút chì sao cũng đáng yêu đến thế!

 

Tuần 7: Người thầy cũ

Chính tả lớp 2:

Tập chép: Người thầy cũ.

Dũng xúc động nhìn theo bố đang đi ra phía cổng trường rồi lại nhìn cái khung cửa sổ lớp học. Em nghĩ: bố cũng có lần mắc lỗi, thầy không phạt, nhưng bố nhận đó là hình phạt và nhớ mãi. Nhớ để không bao giờ mắc lại nữa.

Bài chính tả có mấy dấu câu?

Chữ đầu của mỗi câu viết thế nào?

Đọc lại câu văn có cả dấu phẩy(,) và dấu chấm(:)

Tuần 7: Cô giáo lớp em

Tập chép 2 khổ thơ của bài thơ: Cô giáo lớp em

...

Cô dạy em tập viết 

Gió đưa thoảng hương nhài 

Nắng ghé vào cửa lớp 

Xem chúng em học bài 

 

Những lời cô giáo giảng 

Ấm trang vở thơm tho 

Yêu thương em ngắm mãi 

Những điểm mười cô cho.

NGUYỄN XUÂN SANH

 

Tuần 8: Người mẹ hiền

Chính tả tuần 8 lớp 2: Tập chép bài: Người mẹ hiền.

Vừa đau vừa xấu hổ, Nam bật khóc. Cô xoa đầu Nam và gọi Minh đang thập thò ở cửa lớp vào, nghiêm giọng hỏi:

 - Từ nay các em có trốn học đi chơi nữa không? 

Hai em cùng đáp: 

- Thưa cô, không ạ. Chúng em xin lỗi cô.

? trong bài chính tả có những dấu câu nào?

Tuần 8: Bàn tay dịu dàng

Chính tả Nghe - Viết bài: Bàn tay dịu dàng

Thầy giáo bước vào lớp. Thầy bắt đầu kiểm tra bài làm ở nhà của học sinh.

    Khi thầy đến gần, An thì thào buồn bã(1) :

 - Thưa thầy, hôm nay em chưa làm bài tập.

Thầy nhẹ nhàng xoa đầu An. Bàn tay thầy dụi dàng, đầy trìu mếm, thương yêu.

__________

(1) buồn bã: âm trạng rầu rĩ, chán nản Ví dụ: giọng hát ai nghe buồn bã, xót xa

Tuần 9: Cân voi

Tuần 9, tiết 4 Nghe và viết

Cân voi

     Một lần, sứ thần Trung Hoa thử tài Lương Thế Vinh, nhờ ông cân hộ con voi. Lương Thế Vinh sai lính dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức chìm của thuyền. Sau đó, ông cho voi lên bờ và xếp đá vào thuyền. Khi thuyền chìm đến mức đã đánh dấu, ông sai cân chỗ đá ấy và biết voi nặng bao nhiêu.

Trung Hoa: Trung Quốc

Sứ thần: Người thay mặt cho vua của một nước đi giao thiệp với nước ngoài, như đại sứ.

Tuần 9: Dậy sớm

Tuần 9, tiết 10 Tiếng việt lớp 2, tập chép, nghe và viết bài:

Dậy sớm

Tinh mơ em thức dậy

Rửa mặt rồi đến trường

Em bước vội trên đường

Núi giăng hàng trước mặt

 

Sương trắng viền quanh núi

Như một chiếc khăn bông

- Ồ núi ngủ lười không

Giờ mới đang rửa mặt.

THANH HÀO

Tuần 10: Ngày lễ

Tập chép: Ngày lễ

     Ngày 8 tháng 3 hằng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ngày 1 tháng 5 là Ngày Quốc tế lao động. Ngày 1 tháng 6 là Ngày Quốc tế thiếu nhi. Còn ngày 1 tháng 10 được lấy làm Ngày Quốc tế người cao tuổi.

? Những chữ nào trong tên các ngày lễ nói trên được viết hoa.