LỚP 2 - Bài tập tiếng việt(Tập 2)
Bài tập tiếng việt lớp 2 - tập 2: Một cách tiếp cận hiện đại hóa trong giáo dục
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc tích hợp công nghệ thông tin, và số hóa SGK vào quá trình dạy và học ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, với môn Tiếng Việt lớp 2, Tập 2, chúng ta thấy rõ sự thay đổi này qua việc áp dụng các bài tập tương tác dựa trên nội dung sách giáo khoa "Kết nối tri thức và cuộc sống". Các bài tập này không chỉ giúp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ mà còn kích thích sự tò mò, hứng thú học tập trong sinh viên.
Các Bài Tập Tương Tác
Các bài tập tương tác được thiết kế nhằm mục đích tạo ra một môi trường học tập sinh động và hấp dẫn. Các em học sinh được tham gia vào các hoạt động học tập qua màn hình điện tử, nơi các yếu tố hình ảnh, âm thanh và video được tích hợp để minh họa cho các bài học. Qua đó, học sinh có thể thực hành ngôn ngữ một cách trực quan, từ việc ghép chữ, sắp xếp câu, đến những trò chơi ngôn ngữ giúp củng cố vốn từ mới học được.
Nội Dung Theo Sách Giáo Khoa
Nội dung các bài tập được xây dựng dựa trên sách giáo khoa "Kết nối tri thức và cuộc sống", đảm bảo sự thống nhất và liên kết chặt chẽ giữa những gì được học trên lớp và thực hành online. Các chủ đề từ sách giáo khoa được biến đổi thành các hoạt động tương tác, qua đó giúp học sinh không chỉ học kiến thức cơ bản mà còn biết cách ứng dụng chúng vào thực tiễn.
Chức Năng Chấm Điểm
Một trong những tính năng nổi bật của hệ thống bài tập trực tuyến này là chức năng chấm điểm tự động. Mỗi bài tập hoàn thành sẽ được hệ thống đánh giá và cung cấp phản hồi ngay lập tức, giúp học sinh nhận biết được mức độ hiểu biết của mình đối với nội dung bài học. Điều này không chỉ thúc đẩy sự tự giác trong học tập mà còn giúp phụ huynh theo dõi được tiến trình học tập của con mình một cách chính xác.
Chức Năng Thảo Luận và Góp Ý
Để tăng cường sự tương tác và hỗ trợ học tập, nền tảng còn tích hợp chức năng thảo luận và góp ý. Học sinh có thể đặt câu hỏi, thảo luận vấn đề và nhận góp ý từ bạn bè và giáo viên thông qua một diễn đàn trực tuyến. Điều này không chỉ giúp các em học sinh mở rộng kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng tương tác, giao tiếp qua mạng, một kỹ năng cần thiết trong thế giới số hiện nay.
Bằng cách này, bài tập Tiếng Việt lớp 2, Tập 2 không chỉ là những bài học ngôn ngữ mà còn là cơ hội để học sinh kết nối tri thức với cuộc sống, phát triển kỹ năng sống và tư duy phản biện. Sự kết hợp giữa công nghệ và giáo dục mở ra một hướng đi mới cho việc giảng dạy và học tập, hướng tới một thế hệ trẻ toàn diện cả về tri thức lẫn kỹ năng sống.
CHUYỆN BỐN MÙA
Ngày đầu năm, bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông gặp nhau.
Đông cầm tay Xuân bảo:
- Chị là người sung sướng nhất. Ai cũng yêu chị. Chị về, cây nào cũng đâm chồi nảy lộc.
Xuân nói:
- Nhưng nhờ có em Hạ, cây trong vườn mới đơm trái ngọt, học sinh mới được nghỉ hè.
Nàng Hạ tinh nghịch xen vào:
- Thế mà thiếu nhi lại thích em Thu nhất. Không có Thu, làm sao có đêm trăng rằm rước đèn, phá cỗ,...
Giọng buồn buồn, Đông nói:
- Chỉ có em là chẳng ai yêu.
Thu đặt tay lên vai Đông, thủ thỉ:
- Có em mới có bập bùng bếp lửa nhà sàn, mọi người mới có giấc ngủ ấm trong chăn.
Bốn nàng tiên mải chuyện trò, không biết bà Đất đã đến từ lúc nào.
Bà nói:
- Xuân làm cho cây lá tươi tốt. Hạ cho trải ngọt, hoa thơm. Thu làm cho trời xanh cao, học sinh nhớ ngày tựu trường. Còn cháu Đông, cháu có công ấp ủ mầm sống để xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. Các cháu đều có ích, đều đáng yêu.
MÙA NƯỚC NỔI
Mùa này, người làng tôi gọi là mùa nước nổi, không gọi là mùa nước lũ, vì nước lên hiền hoà. Nước mỗi ngày một dâng lên. Mưa dầm dề, mưa sướt mướt ngày này qua ngày khác.
Rồi đến rằm tháng Bảy. “Rằm tháng Bảy nước nhảy lên bờ”. Dòng sông Cửu Long đã no đầy, lại tràn qua bờ. Nước trong ao hồ, trong đồng ruộng của mùa mưa hoà lẫn với nước dòng sông Cửu Long.
Đồng ruộng, vườn tược và cây cỏ như biết giữ lại hạt phù sa ở quanh mình, nước lại trong dần. Ngồi trong nhà, ta thấy cả những đàn cá ròng ròng, từng đàn, từng đàn theo cả mẹ xuôi theo dòng nước, vào tận đồng sâu.
Ngủ một đêm, sáng dậy, nước ngập lên những viên gạch. Phải lấy ván, lấy tre làm cầu từ cửa trước vào đến tận bếp. Vui quá! Có cả một cây cầu lắt lẻo ngay dưới mái nhà.
(Theo Nguyễn Quang Sáng)
HOẠ MI HÓT
Mùa xuân! Mỗi khi hoạ mi cất lên những tiếng hót vang lừng, mọi vật như có sự thay đổi kì diệu.
Trời bỗng sáng ra. Những luồng sáng chiếu qua các chùm lộc mới nhú, rực rỡ hơn. Những gợn sóng trên hồ hoà nhịp với tiếng hoạ mi hót, lấp lánh thêm. Da trời bỗng xanh hơn, những làn mây trắng trắng hơn, xốp hơn, trôi nhẹ nhàng hơn. Các loài hoa nghe tiếng hót trong suốt của hoạ mi chợt bừng giấc, xoè những cánh hoa đẹp, bày đủ các màu sắc xanh tươi. Tiếng hót dìu dặt của hoạ mi giục các loài chim dạo lên những khúc nhạc tưng bừng, ngợi ca núi sông đang đổi mới.
Chim, mây, nước và hoa đều cho rằng tiếng hót kì diệu của hoạ mi đã làm cho tất cả bừng tỉnh giấc... Hoạ mi thấy lòng vui sướng, Cố hót hay hơn.
(theo Võ Quảng)
HỒ NƯỚC VÀ MÂY
1. Vào một ngày cuối xuân, mặt hồ lấp lánh dưới nắng. Bỗng, một cơn gió đưa chị mây sà thấp xuống mặt hồ. Hồ nước cuộn sóng nói
- Tôi đẹp lên dưới ánh nắng, thế mà chị lại che mất.
- Không có chị che nắng thì em gặp nguy đấy! – Chị mây đáp.
- Tôi cần gì chị!
Chị mấy giận hồ nước nên đã bay đi.
2. Mùa hè, dưới cái nắng gay gắt, hồ nước bị bốc hơi, cạn trở tận đáy. Nó cầu cứu:
- Chị mây ơi, không có chị tôi chết mất.
Bầy tôm cá trong hồ cũng than:
- Chúng tôi cũng không sống được nếu hồ cạn thế này!
3. (Nghe tiếng kêu của hồ nước và bầy tôm cá, chị mây không giận hồ nước nữa, bay về và cho mưa xuống. Hồ nước đầy lên, tràn căng sức sống.
4. (Qua mùa thu, sang mùa đông, chị mây ngày càng mảnh mai, hao gầy như dải lụa mỏng. Chị ghé xuống hồ và nói:
- Không có em, chị cũng yếu hẳn đi.
Thế là hồ nước lao xao gợn sóng:
- Để em tìm cách giúp chị!
Hồ nước gọi ông mặt trời rọi nắng xuống cho nước bốc hơi lên. Chị mây khoẻ dần, nặng dần để chuẩn bị mưa xuống.
TẾT ĐẾN RỒI
Tết là khởi đầu cho một năm mới, là dịp lễ được mong chờ nhất trong năm.
Vào dịp Tết, các gia đình thường gói bánh chưng hoặc bánh tét. Bánh chưng hình vuông, gói bằng lá dong. Bánh tét hình trụ, thường gọi bằng lá chuối. Cả hai loại bánh đều làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn.
Mai và đào là hai loài hoa đặc trưng cho Tết ở hai miền Nam, Bắc. Hoa mai rực rỡ
sắc vàng. Hoa đào thường có màu hồng tươi, xen lẫn lá xanh và nụ hồng chúm chím.
Ngày Tết, người lớn thường tặng trẻ em những bao lì xì xinh xắn, với mong ước các em mạnh khoẻ, giỏi giang. Tết là dịp mọi người quây quần bên nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp.
(Ánh Dương)
GIỌT NƯỚC VÀ BIỂN LỚN
Tí ta tí tách
Từng giọt
Từng giọt
Mưa rơi
Rơi rơi.
Góp lại bao ngày
Thành dòng suối nhỏ
Lượn trên bãi cỏ
Chảy xuống chân đồi.
Suối gặp bạn rồi
Góp thành sông lớn
Sông đi ra biển
Biển thành mênh mông.
Biển ơi, có biết
Biển lớn vô cùng
Từng giọt nước trong
Làm nên biển đấy!
(Nguyễn Bao)
--------------------------------------------------
CHIẾC ĐÈN LỒNG
Bác đom đóm già ngồi nhìn bầy đom đóm nhỏ tuổi rước đèn lồng làm sáng rực cả con đường. Trong chúng giống như những ngôi sao nhỏ lấp lánh.
- Ôi chao! Mình thực sự già rồi! – Bác đom đóm thở dài.
Chợt bác nghe thấy tiếng khóc từ dưới bãi cỏ. Bác bay tới và nhận ra đó là chú ong non. Anh bạn nhỏ này bị lạc đường.
- Đừng quá lo lắng, ta sẽ đưa cháu về.
Bác đom đóm an ủi ong non, rồi bác thắp chiếc đèn lồng của mình lên, dắt cu cậu bay đi. Bác bay mãi, bay mãi, cuối cùng cũng đưa được ong non về bên ong mę.
Bác đom đóm quay trở về. Nhưng chiếc đèn lồng của bác cứ tối dần, tối dần rồi tắt hẳn. Chao ôi! Tuổi già thật phiền phức! Nhưng bác thấy vui vì chút ánh sáng cuối cùng của mình thật có ích. Bác đom đóm đập nhẹ đôi cánh, chậm chạp bay trong bóng tối...
Đột nhiên, có những chiếc đèn lồng lung linh tiến về phía bác:
- Bác ơi! Bác đã đưa bạn ong về nhà. Chúng cháu tới để soi đường cho bác ạ!
Thì ra là bầy đom đóm nhỏ.
- Các cháu ngoan lắm! – Bác đom đóm cảm động nói. Giọt nước mắt hạnh phúc trào ra trên khuôn mặt nhăn nheo của bác.
(Theo 101 truyện mẹ kể con nghe)
MÙA VÀNG
Thu về, những quả hồng đỏ mọng, những hạt dẻ nâu bóng, những quả na mở to mắt, thơm dìu dịu. Biển lúa vàng ươm. Gió nổi lên và sóng lúa vàng dập dờn trải tới chân trời. Minh ríu rít bên mẹ:
- Mẹ ơi, con thấy quả trên cây đều chín hết cả rồi.
Các bạn ấy đang mong có người đến hái đấy. Nhìn quả chín ngon thế này, chắc các bác nông dân vui lắm mẹ nhỉ?
- Đúng thế con ạ.
- Nếu mùa nào cũng được thu hoạch thì thích lắm, phải không mẹ?
Mẹ âu yếm nhìn Minh và bảo:
- Con nói đúng đấy! Mùa nào thức ấy.
Nhưng để có cái thu hoạch, trước đó người nông dân phải làm rất nhiều việc. Họ phải cày bừa, gieo hạt và ươm mầm. Rồi mưa nắng, hạn hán, họ phải chăm sóc vườn cây, ruộng đồng. Nhờ thế mà cây lớn dần, ra hoa kết trái và chín rộ đấy.
- Mẹ ơi, con hiểu rồi. Công việc của các bác nông dân vất vả quá mẹ nhi?
Hạt thóc
Tôi chỉ là hạt thóc
Sinh ra trên cánh đồng
Giấu trong mình câu chuyện
Một cuộc đời bão dông.
Tôi ngậm ánh nắng sớm
Tôi uống giọt sương mai
Tôi sống qua bão lũ
Tôi chịu nhiều thiên tai.
Dẫu hình hài bé nhỏ
Tôi trải cả bốn mùa
Dẫu bây giờ bình dị
Tôi có từ ngàn xưa.
Tôi chỉ là hạt thóc
Không biết hát biết cười
Nhưng tôi luôn có ích
Vì nuôi sống con người.
(Ngô Hoài Chung)
--------------------------
Sự tích cây khoai lang
(*) Ngày xưa, có hai bà cháu nghèo khổ, hằng ngày phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà:
- Bà ơi, cháu đã lớn. Cháu sẽ làm nương, trồng lúa để có gạo nấu cơm.
Từ đó, cậu bé chăm chỉ trồng cây trên nương.
(*) Năm đó, gần đến ngày thu hoạch lúa thì chẳng may khu rừng bị cháy. Nương lúa thành tro. Cậu bé buồn quá, nước mắt trào ra. Bỗng, Bụt hiện lên, bảo:
- Ta cho con một điều ước, con ước gì?
- Dạ, con chỉ mong bà của con không bị đói khổ.
Bụt gật đầu và biến mất.
(*) Hôm ấy, cậu bé đào được củ gì rất lạ. Củ bị lửa rừng hun nóng, có mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé nếm thử, thấy rất ngon, bèn đào thêm mấy củ nữa đem về cho bà. Bà tấm tắc khen ngon và thấy khoẻ hẳn ra. Cậu bé kể lại câu chuyện gặp Bụt cho bà nghe, bà nói:
- Vậy củ này chính là Bụt ban cho đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để người nghèo có cái ăn.
(*) Cậu bé làm theo lời bà dặn. Chỉ mấy tháng sau, loài cây lạ mọc khắp nơi, rễ cây phình to ra thành củ có màu tím đỏ. Từ đó, nhà nhà hết đói khổ. Mọi người gọi cây đó là “khoai lang”. Đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.
(theo tuyển tập truyện thơ, câu đố mầm non)
Lũy tre
Mỗi sớm mai thức dậy
Lũy tre xanh rì rào
Ngọn tre cong gọng vó
Kéo mặt trời lên cao.
Những trưa đồng đầy nắng
Trâu nằm nhai bóng râm
Tre bần thần nhớ gió
Chợt về đầy tiếng chim.
Mặt trời xuống núi ngủ
Tre nâng vầng trăng lên
Sao, sao treo đầy cành
Suốt đêm dài thắp sáng.
Bỗng gà lên tiếng gáy
Xôn xao ngoài luỹ tre
Đêm chuyển dần về sáng
Mầm măng đợi nắng về.
(Nguyễn Công Dương)
VÈ CHIM
Hay chạy lon xon
Là gà mới nở
Vừa đi vừa nhảy
Là em sáo xinh
Hay nói linh tinh
Là con liếu điếu
Hay nghịch hay tếu
Là cậu chìa vôi
Hay chao đớp mồi
Là chim chèo bẻo
Tính hay mách lẻo
Thím khách trước nhà
Hay nhặt lân la
Là bà chim sẻ
Có tình có nghĩa
Là mẹ chim sâu
Giục hè đến mau
Là cô tu hú
Nhấp nhem buồn ngủ
Là bác cú mèo...
(Đồng dao)
KHỦNG LONG
Khủng long là loài vật thường sống thành bầy đàn ở các vùng đất khô.
Trong suy nghĩ của nhiều người, khủng long là loài vật khổng lồ. Nhưng trên thực tế, có loài khủng long chỉ bằng một chú chó nhỏ. Khủng long thường ăn thịt, cũng có một số loài ăn cỏ.
Chân khủng long thẳng và rất khoẻ. Vì thế chúng có thể đi khắp một vùng rộng lớn để kiếm ăn. Khủng long có khả năng săn mồi tốt nhờ có đôi mắt tinh tường cùng cái mũi và đôi tai thính. Khủng long cũng có khả năng tự vệ tốt nhờ vào cái đầu cứng và cái quất đuôi dũng mãnh.
Trước khi con người xuất hiện, khủng long đã bị tuyệt chủng. Vì thế, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy khủng long thật.
(Theo Bách Khoa Tri Thức về khám phá thế giới cho trẻ em)
SỰ TÍCH CÂY THÌ LÀ
Ngày xưa, cây cối trên trái đất chưa có tên gọi. Trời bèn gọi chúng lên để đặt tên. Cây cối mừng rỡ kéo nhau lên trời. Trời chỉ tay vào từng cây và đặt tên:
- Chú thì ta đặt tên cho là cây dừa.
- Chú thì ta đặt tên cho là cây cau.
- Chú thì ta đặt tên cho là cây mít...
Trời đặt tên mãi mà vẫn chưa hết. Về sau, trời chỉ nói vắn tắt:
- Chủ thì là cây cải.
- Chú là cây ớt.
- Chú là cây tỏi...
Khi các loài cây đều đã có tên, bỗng một cái cây dáng mảnh khảnh, lá nhỏ xíu đến xin đặt tên.
- Chú bé tí xíu, chú có ích gì để ta đặt tên nào? - Trời hỏi.
Cây nhỏ liền thưa:
- Thưa trời, khi nấu canh riêu cá hoặc làm chả cá, chả mực mà không có con thì mất cả ngon ạ.
Trời liền bảo:
- Ừ, để ta nghĩ cho một cái tên. Tên chủ thì... là... thì... là...
Trời còn đang suy nghĩ, cây nhỏ đã chạy đi xa rồi. Nó mừng rỡ khoe với bạn bè:
- Trời đặt tên cho tôi là cây “thì là” đấy!
(Sự tích cây thì là, Trịnh Mạnh kể)
BỜ TRE ĐÓN KHÁCH
Bờ tre quanh hồ
Suốt ngày đón khách
Một đàn cò bạch
Hạ cánh reo mừng
Tre chợt tưng bừng
Nở đầy hoa trắng.
Đến chơi im lặng
Có bác bồ nông
Đứng nhìn mênh mông
Im như tượng đá.
Một chú bói cá
Đỗ xuống cành mềm
Chú vụt bay lên
Đậu vào chỗ cũ.
Ghé chơi đông đủ
Cả toán chim cu
Ca hát gật gù:
“Ồ, tre rất mát!”.
Khách còn chú ếch
Ì ộp vang lừng
Gọi sao tưng bừng
Lúc ngày vừa tắt.
(Võ Quảng)
TIẾNG CHỔI TRE
Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Những đêm đông
Khi cơn dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác…
Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lễ
Quét rác...
Đẹp lối
Em nghe!
(Tố Hữu)
HẠT GIỐNG NHỎ
(1) Có hạt giống nhỏ nằm ngủ yên trong lòng đất ấm trên một quả đồi cao. Vào một buổi sáng, từ hạt giống nhỏ nhú lên một cái chồi non tươi rói và xinh xắn. Nhờ cô mây tưới nước mát và ông mặt trời chiếu nắng ấm, chồi non vươn mình lớn dần thành cây non. Chẳng bao lâu, cây non đã thành cây to, cao và khoẻ mạnh.
(2) Sống một mình trên quả đồi rộng, cây to buồn lắm. Nó muốn có những cây khác làm bạn. Hiểu mong ước của cây, ông mặt trời, cô mây, chị gió đã bàn bạc, nghĩ cách để giúp cây.
(3) Chị gió bay đi kiếm những hạt giống nhỏ đem về gieo trên quả đồi. Cô mây tưới nước mát. Ông mặt trời chiếu nắng ấm... Thế là, chẳng bao lâu, những hạt giống đó nảy mầm, vươn mình và lớn lên...
(4) Nhiều tháng năm trôi qua, giờ đây trên quả đồi đã có biết bao cây xanh luôn ở bên nhau và vươn lên giữa bầu trời xanh lộng gió. Hằng ngày, các chú chim sâu, gõ kiến, sơn ca,... bay tới đậu trên những cành cây, vừa bắt sâu vừa líu lo ca hát.
CỎ NON CƯỜI RỒI
Mùa xuân đã đến. Cỏ trong công viên bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Từng đàn én từ phương Nam trở về. Trẻ em chơi đùa dưới ánh mặt trời ấm áp.
Một hôm, chị én nâu đang sửa soạn đi ngủ thì nghe thấy tiếng khóc thút thít. Lần theo tiếng khóc, én nâu tìm đến công viên nhỏ. Thấy một cây cỏ non đang khóc, én nâu hỏi:
- Em bị ốm à?
Cỏ non khóc nấc lên:
- Chị ơi, em không đứng thẳng được nữa. Các bạn nhỏ đã đến đây chơi đùa và giẫm lên em.
Én nâu lặng đi một phút rồi bỗng reo lên:
- Đừng khóc nữa! Chị sẽ giúp em.
Thế rồi, én nâu gọi thêm rất nhiều bạn của mình. Suốt đêm, cả đàn én ra sức đi tìm cỏ khô tết thành dòng chữ “Không giẫm chân lên cỏ!” đặt bên cạnh bãi cỏ. Xong việc, én nâu tươi cười bảo cỏ non:
- Từ nay em yên tâm rồi! Không còn ai giẫm lên em nữa đâu.
Cỏ non nhoẻn miệng cười và cảm ơn chị én nâu.
(Theo 365 chuyện kể hằng đêm)