LỚP 4

Chính tả lớp 4, nghe viết, nhớ viết, nội dung sách giáo khoa(SGK) lớp 4, mỗi câu nghe 2 lần
Dế Mèn bênh vực kẻ yếu

Tuần 1: Chính tả:

Nghe Viết: Dế Mèn bênh vực kẻ yếu


Một hôm, qua một vùng cỏ xước xanh dài, tôi chợt nghe tiếng khóc tỉ tê. Đi vào bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.
Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc.

Luyện tập
Mười năm cõng bạn đi học

Tuần 2 : Chính tả

Nghe viết: Mười năm cõng bạn đi học


     Ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, ai cũng biết câu chuyện cảm động về em Đoàn Trường Sinh 10 năm cõng bạn đến trường. Quãng đường từ nhà Sinh tới trường dài hơn 4 ki-lô-mét, qua đèo, vượt suối, khúc khuỷu, gập ghềnh. Thế mà Sinh không quản khó khăn, ngày ngày cõng bạn Hanh bị liệt cả hai chân đi về. Nhờ bạn giúp đỡ, lại có chí học hành, nhiều năm liền, Hanh là học sinh tiên tiến, có năm còn tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện.

Luyện tập
Cháu nghe câu chuyện của bà

Tuần 3: Chính tả

Nghe Viết: Cháu nghe câu chuyện của bà


Chiều rồi bà mới về nhà
Cái gậy đi trước, chân bà theo sau.
Mọi ngày bà có thế đâu
Thì ra cái mỏi làm đau lưng bà!

Bà rằng: Gặp một cụ già
Lạc đường, nên phải nhờ bà dẫn đi
Một đời một lối đi về
Bỗng nhiên lạc giữa đường quê, cháu à!

Cháu nghe câu chuyện của bà
Hai hàng nước mắt cứ nhòa rưng rưng
Bà ơi, thương mấy là thương
Mong đừng ai lạc giữa đường về quê!
 

Luyện tập
Truyện cổ nước mình

Tuần 4: Chính tả

Nhớ Viết: Truyện cổ nước mình


Truyện cổ nước mình
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì.
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi.
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.

Luyện tập
Những hạt thóc giống

Tuần 5: Chính tả

Nghe – viết: Những hạt thóc giống (từ Lúc ấy… đến ông vua hiền minh)


 Lúc ấy, nhà vua mới ôn tồn nói:
      - Trước khi phát thóc giống, ta đã cho luộc kĩ rồi. Lẽ nào thóc ấy còn mọc được? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta!
      Rồi vua dõng dạc nói tiếp:
      - Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.
      Chôm được truyền ngôi và trở thành ông vua hiền minh.

Luyện tập
Người viết truyện thật thà

Tuần 6: Chính tả

Nghe – viết: Người viết truyện thật thà


Nhà văn Pháp nổi tiếng Ban-dắc và vợ được mời đi dự tiệc. Lúc sắp lên xe, ông bảo vợ:
- Anh không muốn ngồi ăn lâu, nhưng chưa biết nên nói thế nào đây.
Vợ ông bật cười:
- Anh từng tưởng tượng ra bao nhiêu truyện ngắn, truyện dài, nay nghĩ  một cái cớ để về sớm thì khó gì.
Ban-dắc nói:
- Viết văn là một chuyện khác. Anh có biết nói dối bao giờ đâu. Nếu bắt anh nói dối, anh sẽ thẹn đỏ mặt và ấp úng cho mà xem.

Luyện tập
Gà Trống và Cáo

Tuần 7: Chính tả:

Nhớ - viết: Gà Trống và Cáo (từ Nghe lời Cáo dụ thiệt hơn... đến hết)


Nghe lời cáo dụ thiệt hơn
Gà rằng: "Xin được ghi ơn trong lòng
Hòa bình gà cáo sống chung
Mừng này còn có tin mừng nào hơn
Kìa, tôi thấy cặp chó  săn
Từ xa chạy tới, chắc loan tin này."
Cáo nghe, hồn lạc phách bay
Quắp đuôi, co cẳng chạy ngay tức thì.
Gà ta khoái chí cười phì:
"Rõ phường giang dối, làm gì được ai".

 

Luyện tập
Trung thu độc lập

Tuần 8: Chỉnh tả 

Nghe – viết: Trung thu độc lập (từ Ngày mai, các em có quyền… đến nông trường to lớn, vui tươi)


      Ngày mai, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống tươi đẹp vô cùng. Mươi mười lăm năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, dòng thác nước đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít, cao thẳm, rải trên đồng lúa bát ngát vàng thơm, cùng với nông trường to lớn, vui tươi.

Luyện tập
Lời hứa

Tuần 10, tiết 2 Chính tả

Nghe Viết: Lời hứa:


Tôi rời công viên vào lúc phố đã lên đèn. Bỗng nghe sau bụi cây có tiếng một em bé khóc. Bước tới gần, tôi hỏi:
- Sao em chưa về nhà?
Em nhỏ ngẩng đầu nhìn tôi, đáp:
- Em không về được!
- Vì sao?
- Em là lính gác.
- Sao lại là lính gác?
- Có mấy bạn rủ em đánh trận giả. Một bạn lớn bảo: ‟Cậu là trung sĩ” và giao cho em đứng gác kho đạn ở đây. Bạn ấy lại bảo: ‟Cậu hãy hứa là đứng gác cho đến khi có người tới thay” Em đã trả lời : ‟Xin hứa”.

Luyện tập
Chiều trên quê hương

Tuần 10, tiết 8: Chính tả:

Nghe Viết: Chiều trên quê hương


      Đó là một buổi chiều mùa hạ có mây trắng xô đuổi nhau trên cao. Nền trời xanh vời vợi. Chim sơn ca cất tiếng hót tự do, tha thiết đến nỗi khiến người ta phải ao ước giá mà mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là nắng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa ngậm đồng và hương sen.
 

Luyện tập
Nếu chúng mình có phép lạ

Tuần 11, Chính tả:

Nghe Viết: Nếu chúng mình có phép lạ(bố khổ thơ đầu)


Nếu chúng mình có phép lạ
Bắt hạt giống nảy mầm nhanh
Chớp mắt thành cây đầy quả
Tha hồ hái chén ngọt lành.

Nếu chúng mình có phép lạ
Ngủ dậy thành người lớn ngay
Đứa thì lặn xuống đáy biển
Đứa thì ngồi lái máy bay.

Nếu chúng mình có phép lạ
Hái triệu vì sao xuống cùng
Đúc thành ông mặt trời mới
Mãi mãi không còn mùa đông.

Nếu chúng mình có phép lạ
Hóa trái bom thành trái ngon
Trong ruột không còn thuốc nổ
Chỉ toàn kẹp với bi tròn.

Luyện tập
Người chiến sĩ giàu nghị lực

Tuần 12  Chính tả:

Nghe - Viết: Người chiến sĩ giàu nghị lực


Trong trận chiến đấu giải phóng Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1975, Lê Duy Ứng bị thương nặng. Anh đã quệt máu chảy từ đôi mắt bị thương vẽ một bức chân dung Bác Hồ. Tác phẩm của người thương binh hỏng mắt đã gây xúc động cho đồng bào cả nước. Từ đó đến nay, họa sĩ Lê Duy Ứng đã có hơn 30 triển lãm tranh, tượng; đoạt 5 giải thưởng mĩ thuật quốc gia và quốc tế. Nhiều tác phẩm của anh được đặt trân trọng trong các bảo tàng lớn của đất nước.

Luyện tập
Người tìm đường lên các vì sao

Tuần 13: Chính tả:

Nghe - viết: Người tìm đường lên các vì sao (từ đầu ... đến có khi đến hàng trăm lần)


      Từ nhỏ, Xi-ôn-cốp-xki đã mơ ước được bay lên bầu trời. Có lần, ông dại dột nhảy qua cửa sổ để bay theo những cánh chim. Kết quả, ông bị ngã gãy chân. Nhưng rủi ro lại làm nảy ra trong đầu óc non nớt của ông lúc bấy giờ một câu hỏi: ‟Vì sao những  quả bóng không có cánh mà vẫn bay được?”
     Để tìm điều bí mật đó, Xi-ôn-cốp-xki đọc không biết bao nhiêu là sách. Nghĩ ra điều gì, ông lại  hì hục làm thí nghiệm, có khi đến hàng trăm lần.

Luyện tập
Chiếc áo búp bê

Tuần 14: Chính tả

Nghe - Viết: Chiếc áo búp bê


       Trời trở rét. Vậy mà bé Ly, búp bê của tôi, vẫn phong phanh chiếc váy mỏng. Tôi xin chị Khánh được tấc xa tanh màu mật ong, khâu chiếc áo cho bé. Chiếc áo chỉ bằng bao thuốc. Cổ áo dựng cao cho ấm ngực. Tà áo loe ra một chút so với thân. Các mép áo đều được viền bằng vải xanh, rất nổi. Có ba chiếc khuy bấm như hạt cườm đính dọc nẹp áo. Chắc bé sẽ thích chiếc áo nhỏ xíu này vì tự tay tôi đã may cho bé.

Luyện tập
Cánh diều tuổi thơ

Tuần 15: Chính tả:

Nghe - viết: Cánh diều tuổi thơ (từ đầu... đến những vì sao sớm.).


  Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.
      Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên bầu trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,... như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
 

Luyện tập
Keo co

Tuần 16: Chính tả

Nghe - viết: Kéo co (từ Hội làng Hữu Trấp ... đến chuyển bại thành thắng)


      Hội làng Hữu Chấp thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thường tổ chức thi kéo co giữa nam và nữ. Có năm bên nam thắng, có năm bên nữ thắng. Nhưng dù bên nào thắng thì cuộc thi vẫn rất là vui. Vui ở sự ganh đua, vui ở tiếng hò reo, khuyến khích của người xem hội.
      Làng Tích Sơn thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc lại có tục thi kéo co giữa trai tráng hai giáp trong làng. Số người của mỗi bên không hạn chế. Nhiều khi có giáp thua keo đầu, tới keo thứ hai, đàn ông trong giáp kéo đến đông hơn, thế là chuyển bại thành thắng.

Luyện tập
Mùa đông trên rẻo cao

Tuần 17: Chính tả

Nghe - viết: Mùa đông trên rẻo cao


Mùa đông đã về thực sự rồi. Mây từ trên cao theo các sườn núi trườn xuống, chốc chốc lại gieo một đợt mưa bụi trên những mái lá chít bạc trắng. Hoa rau cải hương vàng hoe, từng vạt dài ẩn hiện trong sương bên sườn đồi. Con suối lớn ồn ào, quanh co đã thu mình lại, phô những dải sỏi cuội nhẵn nhụi và sạch sẽ... Trên những ngọn cơi già nua, những chiếc lá vàng cuối cùng còn sót lại đang khua lao xao trước khi từ giã thân mẹ đơn xơ.

Luyện tập
Đôi que đan

Tuần 18: Ôn tập cuối học kỳ I, Tiết 4

Chính tả: Nghe - Viết: Đôi que đan


Mũ đỏ cho bé
Khăn đen cho bà
Áo đẹp cho mẹ
Áo ấm cho cha
Từ đôi que nhỏ
Từ tay chị nữa
Dần dần hiện ra…

Ôi đôi que đan
Sao mà chăm chỉ
Sao mà giản dị
Sao mà dẻo dai…

Từng mũi,từng mũi
Cứ đan, đan hoài
Sợi len nhỏ bé
Mà nên rộng dài.

Em cũng tập đây
Mũi lên, mũi xuống
Ngón tay, bàn tau
Dẻo dần, đỡ ngượng.

Mũ đỏ cho bé
Khăn đen cho bà
Áo đẹp cho mẹ
Áo ấm cho cha
Từ đôi que nhỏ
Từ tay em nữa
Cũng dần hiện ra…

Que tre đan mãi
Bóng như ngọc ngà.

Luyện tập
Chiếc xe đạp của chú Tư

Tuần 18: Ôn tập cuối học kỳ 1, Tiết 8

Chính tả (nghe - viết) : Chiếc xe đạp của chú Tư


      Chiếc xe của chú là chiếc xe đẹp nhất, không có chiếc nào sánh bằng. Xe màu vàng, hai cái vàng láng bóng, khi chú ngừng đạp, chiếc xe cứ ro ro thật êm tai. Bao giờ dừng xe, chú cũng rút cái giẻ dưới yên lên, lau, phủi sạch sẽ rồi mới bước vào nhà, vào tiệm. Chú âu yếm gọi chiếc xe của mình là con ngựa sắt.

Luyện tập
Kim tự tháp Ai Cập

Tuần 19: Chính tả:

Nghe - Viết: Kim tự tháp Ai Cập


      Kim tự tháp Ai Cập là lăng mộ của các hoàng đế Ai Cập cổ đại. Đó là những công trình kiến trúc xây dựng toàn bằng đá tảng. Từ cửa kim tự tháp đi vào là một hành lang tối và hẹp, đường càng đi càng nhằng nhịt dẫn tới những giếng sâu, phòng chứa quan tài, buồng để đồ,... Thăm kim tự tháp, người ta không khỏi ngạc nhiên: Người Ai Cập cổ không có những phương tiện chuyên chở vật liệu như hiện nay, làm thế nào mà họ đã vận chuyển được những tảng đá to như vậy lên cao?

Luyện tập
Cha đẻ của chiếc lốp xe đạp

Tuần 20: Người ta là hoa đất: Chính tả:

Nghe - viết: Cha đẻ của chiếc lốp xe đạp


      Vào cuối thế kỉ XIX, bánh xe đạp còn làm bằng gỗ, nẹp sắt, do đó đi rất xóc. Người đầu tiên sáng chế ra chiếc lốp xe bằng cao su là Đân-lớp một học sinh của nước Anh. Từ một lần suýt ngã vì vấp phải ống cao su dẫn nước, Đân-lớp đã nghĩ ra cách cuộn ống cao su cho vừa vành bánh xe rồi bơm hơi căng lên thay cho gỗ và nẹp sắt. Phát minh của Đân-lớp được đăng kí chính thức vào năm 1880. Về sau, lốp xe đạp có thêm chiếc săm bơm căng hơi nằm bên trong.

Luyện tập
Chuyện cổ tích về loài người

Tuần 21: Người ta là hoa đất

Nhớ - viết: Chuyện cổ tích về loài người (Từ Mắt trẻ con sáng lắm... đến Hình tròn là trái đất)


Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ.

Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc

Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sỉnh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ.

Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất.

Luyện tập
Sầu riêng

Tuần 22: Chính tả:

Nghe - viết: Sầu riêng (từ Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm ... đến tháng năm ta)


       Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa. Mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến. Mùa trái rộ vào dạo tháng tư, tháng năm ta.

Luyện tập
Chợ Tết

Tuần 23: Vẻ đẹp muôn màu

 Chính tả: Nhớ - viết bài "Chợ Tết" (từ "Dải mây trắng... ngộ nghĩnh đuổi theo sau").


Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
 

Luyện tập
Họa sĩ Tô Ngọc Vân

Tuần 24: Chính tả

Nghe - Viết : Họa sĩ Tô Ngọc Vân


      Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ tài hoa. Ông tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mĩ thuật Đông Dương năm 1931 và sớm nổi danh từ Cách mạng tháng Tám với các bức tranh Ánh mặt trời, Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen,… Nước nhà độc lập, ông hăng hái tham gia công tác Cách mạng bằng tài năng hội họa của mình. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đi cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến, vẽ nhiều tranh và kí họa về họ. Đáng tiếc, chỉ trước ngày chiến thắng gần một tháng, người nghệ sĩ tài năng đã ngã xuống khi chưa đầy 50 tuổi.

Luyện tập
Khuất phục tên cướp biển

Tuần 25: Những người quả cảm

Chính tả: Nghe - Viết:  Khuất phục tên cướp biển


      Cơn tức giận của tên cướp thật dữ dội. Hắn đứng phắt dậy, rút soạt dao ra, lăm lăm chực đâm. Bác sĩ Ly vẫn dõng dạc và quả quyết:
     - Nếu anh không cất dao, tôi quyết làm cho anh bị treo cổ trong phiên tòa sắp tới.
      Trông bác sĩ lúc này với gã kia thật khác nhau một trời một vực. Một đằng thì đức độ, hiền từ mà nghiêm nghị. Một đằng thì nanh ác, hung hăng như con thú dữ nhốt chuồng.

Luyện tập
Thắng biển

Tuần 26: Những người quả cảm

Chính tả Nghe - Viết: Thắng biển (từ đầu đến quyết tâm chống giữ)


      Mặt trời lên cao dần. Gió đã bắt đầu mạnh. Gió lên, nước biển càng dữ. Khoảng mênh mông ầm ĩ càng rộng mãi vào. Biển cả muốn nuốt tươi con đê mỏng manh như con mập đớp con cá chim nhỏ bé.
      Một tiếng ào dữ dội. Như một đàn cá voi lớn, sóng trào qua những cây vẹt cao nhất, vụt vào thân đê rào rào. Một cuộc vật lộn dữ dội diễn ra. Một bên là biển, là gió, trong một cơn giận dữ điên cuồng. Một bên là hàng ngàn người với hai bàn tay và những dụng cụ thô sơ, với tinh thần quyết tâm chống giữ.

Luyện tập
Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Tuần 27: Chính tả:

Nhớ - viết bài "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (3 khổ thơ cuối).


Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.

Luyện tập
Hoa giấy

Chính tả tuần 28:

Nghe - viết: Hoa giấy


      Trước nhà, mấy cây bông giấy nở hoa tưng bừng. Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ. Màu đỏ thắm, màu tím nhạt, màu da cam, màu trắng muốt tinh khiết. Cả vòm cây lá chen hoa bao trùm lấy ngôi nhà lẫn mảnh sân nhỏ phía trước. Tất cả như nhẹ bỗng, tưởng chừng chỉ cần một trận gió ào qua, cây bông giấy sẽ bốc bay lên, mang theo cả ngôi nhà lang thang giữa bầu trời… Hoa giấy đẹp một cách giản dị. Mỗi cánh hoa giống hết một chiếc lá, chỉ có điều mỏng manh hơn và có màu sắc rực rỡ. Lớp lớp hoa giấy rải kín mặt sân, nhưng chỉ cần một làn gió thoảng, chúng liền tản mát bay đi mất.

Luyện tập
Đoàn thuyền đánh cá

Tuần 28, tiết 8

Chính tả (nhớ - viết)Đoàn thuyền đánh cá  (3 khổ thơ đầu)


Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc Biển Đông lặng,
Cá thu Biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệp biển muôn luồng sáng
Đến dệt lướt ta, đoàn cá ơi!

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Luyện tập
Ai đã nghĩ ra các chữ số 1, 2, 3, 4,… ?

Tuần 29: Khám phá thế giới

Chính tả: Nghe - viết: Ai đã nghĩ ra các chữ số  1, 2, 3, 4,… ?


  Người ta gọi các chữ số 1, 2, 3, 4,... là chữ số A-rập vì cho rằng chúng do người A-rập nghĩ ra. Sự thực thì không phải như vậy.
       Vào năm 750, một nhà thiên văn học Ấn Độ đã đến thăm Bát-đa. Ông mang theo một bảng thiên văn do người Ấn Độ làm ra để dâng tặng quốc vương đang trị vì. Các chữ số Ấn Độ 1, 2, 3, 4,… dùng trong bảng đó đã được người A-rập nhanh chóng tiếp thu và về sau được truyền bá rộng rãi.

Luyện tập
Đường đi Sa Pa

Tuần 30: Chính tả

Nhớ - viết: Đường đi Sa Pa (từ Hôm sau... đến hết)


       Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.
       Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.

Luyện tập
Nghe lời chim nói

Tuần 31: Chính tả:

Nghe - viết: Nghe lời chim nói


Lắng nghe loài chim nói
Về những cánh đồng quê
Mùa nối mùa bận rộn
Đất với người say mê

Lắng nghe loài chim nói
Về thành phố, tầng cao
Về ngăn sông, bạt núi
Điện tràn đến rừng  sâu

Và bạn bè nơi đâu
Và những điều mới lạ...
Cây ngỡ ngàng mắt lá
Nắng ngỡ ngàng trời xanh.

Luyện tập
Vương quốc vắng nụ cười

Tuần 32: chính tả:

Nghe - viết: Vương quốc vắng nụ cười (từ đầu đến trên những mái nhà)


       Ngày xửa ngày xưa, có một vương  quốc buồn chán kinh khủng chỉ vì cư dân ở đó không ai biết cười. Nói chính xác là chỉ có rất ít trẻ con cười được, còn người lớn thì hoàn toàn không. Buổi sáng, mặt trời không muốn dậy, chim không muốn hót, hoa trong vườn chưa nở đã tàn. Ra đường gặp toàn những gương  mặt rầu rĩ, héo hon. Ngay kinh đô là nơi nhộn nhịp cũng chỉ nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe, tiếng gió thở dài  trên những mái nhà…

 

Luyện tập
Ngắm trăng. Không đề

Tuần 33: Tình yêu và cuộc sống

Chính tả: Nhớ viết: Ngắm trằng. Không đề


Ngắm trăng
Trong tù không rượu cũng không hoa.
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.


Không đề.
Đường non khách tới hoa đầy
Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn
Việc quân việc nước đã bàn,
Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.

Luyện tập
Nói ngược

Tuần 34: Tình yêu và cuộc sống

Chính tả Nghe - Viết: Nói ngược


Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà, nậm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Thóc giống cắn chuột trong bồ,
Một trăm lá mạ đổ vồ con trâu.
Chim chích cắn cổ diều hâu,
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm.

Luyện tập
Nói với em

Tuần 35: Ôn tập cuối học kỳ II

Tiết 5: Nghe - Viết: Nói với em


Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá,
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền.

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế, sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi, lại mở ra ngay

Luyện tập
Trăng lên

Tuần 35 tiết 8: Ôn tập cuối học kỳ 2

Chính tả nghe viết: Trăng lên


 Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi.
     Mặt trăng tròn, to và đỏ, từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây con vắt ngang qua, mỗi lúc mảnh dần, rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng những hương thơm ngát.

Luyện tập
Thợ rèn

Tuần 9: Chính tả:

Nghe – viết: Thợ  rèn


Giữa trăm nghề, làm nghề thợ rèn
Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi
Suốt tám giờ chân than mặt bụi
Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn.

Làm thợ rèn mùa hè có nực
Quai một trận nước tu ừng ực
Hai vai trần bóng nhẫy mồ hôi
Cũng có khi thấy thở qua tai.

Làm thợ rèn vui như diễn kịch
Râu bằng than mọc lên bằng thích
Nghịch ở đây già trẻ như nhau
Nên nụ cười nào có tắt đâu.

Luyện tập