LỚP 3


Âm thanh thành phố

Chính tả: Nghe Viết:

Âm thanh thành phố (từ Hải đã ra Cẩm Phả ... đến hết)


     Hải đã ra Cầm Phả nhận công tác. Mỗi dịp về Hà Nội, Hải thích ngồi lặng hàng giờ để nghe bạn anh trình bày bản nhạc Ánh trăng của Bét-tô-ven bằng đàn pi-a-nô. Anh cảm thấy dễ chịu và đầu óc bớt căng thằng.
 

Rừng cây trong nắng

Chính tả: Nghe - Viết

Rừng cây trong nắng


     Trong ánh nắng mặt trời vàng óng, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi, tráng lệ. Những thân cây tràm vươn thẳng lên trời như những cây nến khổng lồ. Từ trong biến lá xanh rờn, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời. Tiếng chim không ngớt vang xa, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm.

Người Nhát Nhất

Chép mẫu chuyện sao vào vở. Nhớ điền những dấu chấm hoặc dấu phẩy còn thiếu vào chỗ thích hợp

Người Nhát Nhất


Một cậu bé được bà dẫn đi chơi phố lúc về, cậu nói với mẹ:
- Mẹ ạ bây giờ con mới biết là bà nhát lắm.
    Mẹ ngạc nhiên:
- Sao con lại nói thế?
    Cậu bé trả lời :
- Vì cứ mỗi khi qua đường bà lại nắm chặt lấy tay con.

Anh Đom Đóm

Chính tả: Nghe Viết:

Anh Đom Đóm (từ đầu ... đến ngon giấc)


Mặt trời gác núi
Bóng tối lan dần,
Anh Đóm chuyên cần
Lên đèn đi gác...

Theo làn gió mát
Anh đi rất êm,
Đi suốt một đêm
Lo cho người ngủ.

Tiếng chị Cò Bợ:
“Ru hỡi ru hời!
Hỡi bé tôi ơi,
Ngủ cho ngon giấc!”

Hai Bà Trưng

Chính tả: Nghe - Viết: Hai Bà Trưng (từ Thành Trì của giặc ... đến hết)


     Thành trì quân giặc lần lượt sụp đổ dưới chân của đoàn quân khởi nghĩa. Tô Định ôm đầu chạy về nước. Đất nước ta sạch bóng quân thù. Hai Bà Trưng trở thành hai vị anh hùng chống giặc ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử nước nhà.
 

Trần Bình Trọng

Chính tả: Nghe - Viết: Trần Bình Trọng


     Năm 1285, giặc Nguyên sang cướp nước ta. Trần Bình Trọng chỉ huy một cánh quân, không may sa vào tay giặc. Giặc dụ dỗ ông đầu hàng, hứa phong tước cho. Trần Bình Trọng khảng khái trả lời: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Giặc tức giận, giết ông. Khi ấy, ông mới 26 tuổi.

Ở lại với chiến khu

Chính tả: Nghe - Viết: Ở lại với chiến khu (từ Bỗng một em ... đến hết)


Bỗng một em cất tiếng hát, cả đội đồng thanh hát vang:
        “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
         Nào có mong chi đâu ngày trở về
         Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi
         Ra đi, ra đi thà chết không lui.”
Tiếng hát bay lượn trên mặt suối, tràn qua lớp cây rừng, bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối, làm cho lòng người chỉ huy ấm hẳn lên.

Trên đường mòn Hồ Chí Minh

Nghe - Viết : Trên đường mòn Hồ Chí Minh (từ đầu đến Những khuôn mặt đỏ bừng)


     Đường lên dốc trơn và lầy. Người nọ đi tiếp sau người kia. Đoàn quân nối thành vệt dài từ thung lũng tới đỉnh cao như một sợi dây kéo thẳng đứng. Họ nhích từng bước. Nhìn lên chỉ thấy những chiếc ba lô lù lù nối nhau trên những cái lưng cong cong. Nhìn xuống là những chiếc mũ tai bèo lúp xúp trên những mái đầu đang cắm về phía trước. Những khuôn mặt đỏ bừng.

Ông tổ nghề thêu

Chính tả: Nghe - Viết: Ông tổ nghề thêu (từ đầu đến Triều đình nhà Lê. )


     Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học cả khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách. Chẳng bao lâu, Khái đỗ tiến sĩ, rồi làm quan to trong triều đình nhà Lê.

Bàn tay cô giáo

Nhớ Viết: Bàn tay cô giáo


Một tờ giấy trắng
Cô gấp cong cong
Thoắt cái đã xong
Chiếc thuyền xinh quá!

Một tờ giấy đỏ
Mềm mại tay cô
Mặt trời đã phô
Nhiều tia nắng tỏa.

Thêm tờ xanh nữa
Cô cắt rất nhanh
Mặt nước dập dềnh
Quanh thuyền sóng lượn.

Như phép mầu nhiệm
Hiện trước mắt em:
Biển biếc bình minh
Rì rào sóng vỗ.

Biết bao điều lạ
Từ bàn tay cô.

 

Ê-đi-xơn

Chính tả: Nghe - Viết Ê-đi-xơn


      Ê-đi-xơn là một nhà bác học vĩ đại. Bằng lao động cần cù và óc sáng tạo kì diệu, ông đã cống hiến cho loài người hơn một ngàn sáng chế, góp phần làm thay đổi cuộc sống trên trái đất chúng ta. Câu chuyện Nhà bác học và bà cụ cho thấy ông rất giàu sáng kiến và luôn mong muốn mang lại điều tốt cho con người.

Một nhà thông thái

Chính tả:

 Nghe - Viết: Một nhà thông thái


     Ông Trương Vĩnh Ký là người có hiểu biết rất rộng. Nhà thông thái này sử dụng thành thạo tới 26 ngôn ngữ, tham gia nhiều hội nghiên cứu quốc tế. Ông để lại cho chúng ta hơn 100 bộ sách có giá trị về ngôn ngữ, lịch sử, văn học, địa lí,… Người đương thời liệt ông vào hàng 18 nhà bác học nổi tiếng thế giới.

Nghe nhạc

Chính tả:

Nghe - Viết: Nghe Nhạc


Đang chơi bi mải miết
Bỗng nghe nổi nhạc đài
Bé Cương dừng tay lại
Chân giẫm nhịp một hai.
 
Tiếng nhạc lên cao vút
Cương lắc nhịp cái đầu
Cây trước nhà cũng lắc
Lá xanh va vào nhau.

Tiếng nhạc dồn réo rắt
Người Cương cũng rung theo
Viên bi lăn trên đất
Rồi nằm im, trong veo.

Người sáng tác Quốc ca Việt Nam

Chính tả:

Nghe - Viết: Người sáng tác Quốc ca Việt Nam


     Nhạc sĩ Văn Cao tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Ông sáng tác bài hát “Tiến quân ca” trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Bài ca đã nhanh chóng phổ biến trong cả nước và được Quốc hội đầu tiên của nước ta chọn làm Quốc ca. Không chỉ sáng tác nhạc, Văn Cao còn vẽ tranh và làm thơ.
 

Đối đáp với vua

Chính tả: 

Nghe - Viết: Đối đáp với vua ( (từ Thấy nói là học trò … đến người trói người.)


Thấy nói là học trò, vua ra lệnh cho cậu phải đối được một vế đối thì mới tha. Nhìn thấy trên mặt hồ lúc đó có đàn cá đang đuổi nhau, vưa tức cảnh đọc vế đối như sau:
                      Nước trong leo lẻo cá đớp cá
Chẳng cần nghĩ ngợi lâu la gì, Cao Bá Quát lấy cảnh mình đang bị trói, đối lại luôn:
                     Trời nắng chang chang người trói người.

Tiếng đàn

Chính tả:

Nghe -  Viết : Tiếng đàn (từ Tiếng đàn bay ra vườn … đến hết)


     Tiếng đàn bay ra vườn. Vài cánh ngọc lan êm ái rụng xuống nền đất mát rượi. Dưới đường, lũ trẻ rủ nhau thả những chiếc thuyền gấp bằng giấy trên những vũng nước mưa. Ngoài Hồ Tây, dân chài đang tung lưới bắt cá. Hoa mười giờ nở đỏ quanh các lối đi ven hồ. Bóng mấy con chim bồ câu lướt nhanh trên những mái nhà cao thấp.

theo LƯU QUANG VŨ

Hội vật

Chính tả:

Nghe Viết: Hội Vật (từ Tiếng trống dồn lên … đến dưới chân.)


     Tiếng trống dồn lên, gấp rút, giục giã. Ông Cản Ngũ vẫn chưa ngã. Ông vẫn đứng như cây trồng giữa sới. Còn Quắm Đen thì đang loay hoay, gò lưng lại, không sao bê nổi chân ông lên. Cái chân tựa như bằng cột sắt chứ không phải là chân người nữa.
      Ông Cản Ngũ vẫn đứng nghiêng mình nhìn Quắm Đen mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới chân. 

Hội đua voi ở Tây Nguyên

Chính tả:

Nghe - viết : Hội đua voi ở Tây Nguyên (từ Đến giờ xuất phát … đến về trúng đích.)


     Đến giờ xuất phát, chiêng trống nổi lên thì cả mười con voi lao đầu chạy. Cái dáng lầm lì, chậm chạp thường ngày bỗng dưng biến mất, cả bầy hăng máu chạy như bay. Bụi cuốn mù mịt. Các chàng trai man-gát phải rất gan dạ và khéo léo điều khiển cho voi về trúng đích.